Mãi sau này, khi biết rằng “Thời Thơ Ngây” được xưng tụng là tác phẩm hay nhất của Edith Wharton, tôi mới mong mỏi được đọc nó, dù bản dịch tiếng Việt đầu tiên đã hết hàng từ lâu. May sao lần đi tiệm sách cũ gần nhà 2 năm trước, tôi chộp được cuốn “Thời Thơ Ngây” bản cũ, nên là mua ngay không chần chừ. Và đúng như những gì các nhà phê bình đã ca ngợi, “Thời Thơ Ngây” đích thực là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về một câu chuyện tình tay ba bất diệt, đặt giữa bối cảnh xã hội thượng lưu New York thế kỷ 19.
New York, những năm 1870. Chàng trai trẻ Newland Archer thuộc dòng dõi Archer được trọng vọng đang trong thời kỳ đính hôn với tiểu thư May Welland - cũng thuộc một gia đình trâm anh có tiếng. Bất ngờ, người chị họ của May là Nữ Bá tước Ellen Olanska bỏ trốn khỏi người chồng tệ bạc của mình là Bá tước Olenski người Ba Lan và quay trở lại New York, nơi sự xuất hiện của cô đã khơi mào cho hàng loạt những tình tiết đầy kịch tính và những xáo trộn trong mối quan hệ giữa Archer và hôn thê của mình. Madame Olenska, với phong cách ăn mặc, trang trí nhà cửa cùng lối sống không theo bất kỳ chuẩn mực nào của xã hội New York đương thời, ban đầu đã khiến Archer phải nghi ngại cho danh tiếng cuộc hôn phối giữa mình và May, cũng như mối thông gia giữa hai gia đình Archer và Welland. Thế nhưng, càng gặp gỡ và tiếp xúc với Madame Olenska, những gì Archer hình dung về người đàn bà đang chạy trốn khỏi chồng mình và sống theo những quy tắc riêng của bản thân đã dần dần thay đổi.
Giữa xã hội thượng lưu tràn ngập thói đạo đức giả, được “lãnh đạo” bởi một vài gia đình có tiếng, có quyền uy, nơi mà con người ta bị bó buộc vào những bổn phận, những trách nhiệm phải thực hiện để bảo toàn cái gọi là danh dự và tiếng tăm cho gia đình, Madame Olenska cùng lối sống bất chấp quy tắc và sự đồng cảm lớn lao dành cho những người bị gắn mác “tai tiếng” đã thổi một luồng gió mới vào suy nghĩ của Newland Archer. Anh dõng dạc tuyên bố phụ nữ cũng cần được tự do như đàn ông, khi mà lề thói suy nghĩ thủ cựu của người New York thời bấy giờ lại cho rằng một người phụ nữ đã có chồng thì phải ở bên chồng, cho dù người chồng đó có tệ bạc đến cỡ nào. Đó là cái xã hội đã xem Madame Olenska là một nhân vật đầy tai tiếng chỉ vì cô lựa chọn hạnh phúc của bản thân mình, nhất quyết đòi ly hôn chồng và từ chối quay trở về Ba Lan. Đó là cái xã hội xem chuyện ly hôn như một điều gì đó đáng ghê tởm, không thể nào nghĩ tới chứ đừng nói đến chuyện thực hiện. Đó là cái xã hội dám đặt những chuẩn mực khắt khe, phân biệt giới tính lên trên hạnh phúc và quyền được chọn lựa, được sống đúng là chính mình của cả phụ nữ và đàn ông.