Ngày 25/8/1950 được xem là cột mốc đặc biệt của điện ảnh Nhật Bản. Đó là ngày bộ phim Rashomon của đạo diễn Akira Kurosawa được công chiếu toàn quốc. Tác phẩm dài 88 phút này sau đó liên tiếp giành nhiều giải thưởng lớn, trong đó có Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 1951 cùng giải thưởng danh dự của Viện Hàn lâm tại Oscar năm 1952.
Phim dựa trên hai truyện ngắn của Ryunosuke Akutagawa là In a Grove và Rashōmon. Trong lịch sử, Rashōmon là một cánh cổng nằm gần các thành phố Nara và Kyoto. Trong phim, đây là nơi trú mưa của một tiều phu (Takashi Shimura), một thầy tu (Minoru Chiaki) và một thường dân (Kichijiro Ueda). Người tiều phu và thầy tu bắt đầu kể về một vụ án mà họ cho rằng không thể tin nổi, bởi tình tiết mà ba người trong cuộc kể lại hoàn toàn khác biệt và mâu thuẫn.
Trước đó, người tiều phu phát hiện xác của một samurai (Masayuki Mori) trong rừng. Anh hoảng loạn và thông báo cho triều đình. Còn vị thầy tu là người cuối cùng thấy samurai khi còn sống - khi đó đang đi cùng vợ (Machiko Kyō). Họ đều được tòa triệu tập để tường thuật sự việc.
Hàng loạt tạp chí và cây bút chọn Rashomon vào danh sách phim hay nhất mọi thời. Tác phẩm trở thành ví dụ kinh điển về cách trình bày một ý tưởng triết học mà vẫn mang đến câu chuyện màn ảnh hấp dẫn. Cụm từ “hiệu ứng Rashomon” được dùng rộng rãi để mô tả một sự kiện có những cách giải thích khác nhau từ những người liên quan. Bản thân đạo diễn Akira Kurosawa cũng được yêu thích và đến giờ vẫn được công nhận là một trong các nhà làm phim vĩ đại nhất mọi thời.